Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Người Thượng nghèo - Đơn Dương - Tết Canh Dần 2010

Để có được chuyến đi thăm người Thượng nghèo ở Đơn Dương và Blao, TE xin thay mặt tất cả những gia đình người dân tộc thọ ơn, vô vàn cảm ơn các Anh Chị và Bạn bè ân nhân: chị Hiền, chị Duyên, chị TLinh, ac Hà, chị Vui, Lệ Uyên, anh ND, Bạn, Mai, bé NAĐ.

Thương chúc các Anh Chị , Bạn và các em một năm mới đầy tràn niềm vui, sức khỏe, mọi sự tốt đẹp trong cuộc sống và hạnh phúc.

9 giờ tối ngày 24 Tết, tức 7 tháng 2. 2010 lên xe khởi hành đi Đơn Dương. Đúng 6 giờ sáng có mặt tại ngã ba CS - Đơn Dương; xe thồ ( tức xe ôm) đưa vào tận nhà.
Từ Đơn Dương đi Đà Lạt chỉ còn khoảng 30 km.

8 giờ sáng bắt tay vào việc phân chia hàng hóa nào gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương thành từng phần quà.

Một phần quà gồm: 1 thùng mì gói Tiến Vua, gạo trắng 4 kg, dầu ăn 2 lít, 1 chai nước mắm, 1 chai nước tương, 1 kí rưỡi đường và lì xì 20 nghìn đồng.
Quà đang nằm chờ những "chủ nhân" của mình...

Người dân lần lượt đến nhận quà. Mỗi người đến phải trình phiếu nhận quà của mình. Phiếu này đơn giản chỉ là một phần 6 tờ giấy học trò, được đánh số thứ tự từ 1 đến 40 (tương ứng cho 40 phần quà) và đã được phát tận tay người được. Và 40 hộ nghèo này không phân biệt tôn giáo, không ở cùng 1 nơi với nhau. Có người ở mãi tận sâu trong chân núi ( để đi được đến đây họ đi bộ gần mất 1 buổi sáng), có người ở sát gần cộng đoàn các Sơ.

Những người ở gần gần đến nhận đúng giờ hẹn

Đến những người ở xa xa


Gần giữa trưa những người ở xa sâu ... đến

Tất cả không ngờ mình được nhiều quà như thế này, nên chẳng mấy ai mang theo cái gùi...
Chỉ cần cái gùi hàng ngày của họ đã có thể cõng phần quà về một cách "nhẹ nhàng"




Những người ở xa hơn hoặc lo đi kiếm miếng cơm, xế chiều họ mới đến. Người đi cửa trước, người đi cửa sau, cửa hông. Đến cửa nào thì TE cùng Sơ K trao quà cho họ ở ngay cửa ấy

Hai đứa trẻ đi nhận quà thay cho mẹ chúng đang đi cấy thuê


Cõng con trên lưng đi nhận quà Tết
Năm nay, người dân Thượng trắng tay. Bởi cà chua và hành lá họ trồng không được giá. Giá cà chua chỉ được 400 đồng / 1kg và hành lá cũng gần như thế, không đủ trả tiền công hái cà chua, gặt hành. Họ đành để cà chua, hành khô rũ trên nương...
Bỏ thì tiếc công sức, hái để ... ăn

Giá hành giống hơn 10 nghìn đồng / 1kg nhưng khi trồng xong thu hoạch chỉ được vài trăm đồng 1 kg. Họ gặt hành và phơi khô làm giống trồng mùa sau.
Đa số người dân Thượng làm thuê cho người Kinh. Người nào có được mảnh đất con con của mình thì bị thất thu bởi giá rẻ mạt. Người làm thuê ăn công thì bị chủ trừ này trừ kia và cuối cùng cũng .... trắng tay...
Nghe họ kể về cuối vụ mùa Tết này mà đau lòng...

Những lúc rỗi rãi mà các phần quà chưa được nhận hết, TE nghỉ ngơi hoặc xuống rẫy ngắm cây trái, đất trời và hưởng những cơn gió mát lạnh trong cái nắng gay gắt hoặc chiều tà ... thấy cũng thật thú. Có lúc chẳng cầm máy, chỉ lo ngắm cảnh, nghe cái Thơ ( một em người Thượng ) gọi " Chị ơi có người đến nhận quà!" là vội vã ba chân bốn cẳng chạy ù về....

Em Thơ đã 25 tuổi mà vẫn chưa "bắt chồng", trong khi đó với số tuổi này thì những người phụ nữ đồng trang lứa với em đã tay bế tay bồng vài ba đứa con...
Thơ nói :
- Muốn bắt chồng thì phải có 20 triệu đồng. Cả đời em cày thuê cũng chẳng thể có... Em thường bị chủ người Kinh trừ tiền công, điện, nước ...
Mắt em lưng tròng khi kể..



Không có nhận xét nào: