Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010
Lẩn quẩn: Tổng kết tuần (6-12 tháng 9)
Chủ nhật tuần rồi đã nói cùng anh những gì muốn nói từ mấy tháng trước. Tôi đánh tiếng rồi có cử chỉ không nhận điện mấy lần qua mấy tuần liền (để chế độ rung và ở dưới nhà không biết) ... nhưng anh không biết, sợ cell fone của tôi bị sao đó hay tôi không khỏe. Tôi thấy mình làm thế, không nhận phone, là không phải cách cư xử của người trưởng thành. Cách này đám thanh niên tân tiến thời nay dùng để cắt đứt ngay 1 tình bạn, tình yêu, or tình gì đó or một mối quan hệ nào đó mà nó không muốn duy trì nữa.
Tôi đã nói với anh rằng tôi không muốn nhận phone của anh. Bạn vẫn sẽ luôn là bạn trong tâm khảm của tôi. Tôi vẫn luôn nhớ anh, vẫn luôn cầu nguyện nhưng tôi không mưu cầu mưa lâu thấm đất, không hão huyền với những gì đã nói.
Lòng tôi bình an khi đã nói ra và đương nhiên buồn nhiều chứ. Nhưng, cái buồn đó lẽ thường tình thôi. Mấy ai được toại nguyện với điều mình mong ước chứ.
Dạy thêm kiếm thêm thu nhập. Người giáo chức sống nhờ đồng lương dạy thêm là chính. Bởi lương hướng sau 16 năm với tổng lương 135% mà chỉ trọn vẹn 3 triệu đồng chưa trừ này kia khoảng 10%; nếu ở nhà thuê rồi các chi phí khác, còn con cái ...v.v.v thì lấy gì mà đủ chi tiêu, tằn tiện lắm thì cũng phải gối đầu mà thôi. Tôi thì không phải lo tiền nhà bởi ở nhà của Cha Mẹ, chi phí phụ chung nhưng lắm cái lo riêng nên cũng phải tằn tiện lắm. Mua sắm quần áo giày dép và mĩ phẩm hạn chế, còn nhà hàng, ăn chơi, tiêu khiển không. ... (bán than rồi)
Dạy thêm với trò đầu cấp biết chắc rất ít, vả lại từ nào đến giờ số tôi học trò học thêm rất ít, lèo tèo vài em; nên năm nay tôi nhờ chị H chiêu sinh giúp tôi mấy bé của lớp chị để tôi có thêm chút ít, vì chị không dạy thêm. Thế là ngày đầu tôi có được 11 em tổng cả 2 lớp. Thế cũng đủ rồi. Với tôi đơn giản thế, không cầu nhiều, không buồn vì quá ít so với bạn bè đồng nghiệp. Đơn giản thêm 1 em được thêm một chút, ngồi không ai mang tiền đến cho???
Ngày hôm sau 1 em vô lớp nói :
-Ba con không cho học thêm nữa.
Tôi ok, lấy lại sách vở đã cho em, để sách vở đó cho em khác. Bởi tôi không ép - không cưỡng cầu, ai có nhu cầu thì đến, còn không thì cứ bình tâm. Nhưng tôi không thích cái cách đối xử của gia đình này: Nói dối đợi cô lâu quá nên nhờ cô BM nói lại giúp. Trong khi sáng hôm đó tôi đến trường sớm 20 - 25 phút. Chưa "qua cầu" mà đã xử như thế rồi, bótay.com luôn!
Ngày học thứ 2 của tuần, giảm 2 tăng 2 và 2 xin tuần sau học. Như vậy ngót được 13 em. Ok rồi. Tôi đã nói với chị H 3 em lớp chị và cu T lớp cũ của tôi, như thế đã đủ, tôi sẽ kèm kĩ 4 nhóc này. Bởi cả 4 đứa có liên hệ cứ y như duyên vậy. Cu T là trò cũ từ năm ngoái của tôi, theo tôi suốt đến giờ. Zon theo tôi từ 5 tuổi đến giờ. AM là con của bạn học cấp 3. Và Kh là em của học trò cũ của tôi cách nay 7 năm.
Nói đến cu AM tôi cười quá chừng, mẹ cu cậu với tôi ngày xưa học chung lớp 11 và 12, ấy thế mà chẳng nhớ, thấy ngờ ngợ quen... hình như học chung.
Ngày còn học tôi bị đổi lớp liên tục. Cấp 1 đổi lớp 1 lần. Cấp 2 đổi 2 lần vì tách trường, vì được tuyển vào lớp chuyên Toán nhưng tôi xin ra, ghét học lớp chuyên, thích học lớp thường. Cấp 3 đổi 1 lần cũng vì tách trường. Nên hỏi tôi nhớ bạn không? Tôi thật bó tay. Với lại ngày đi học tôi ít chơi, học xong lo về kiếm tiền... Ngày đi học tôi không nghĩ mình học hết cấp 3 và ra đi dạy, tôi nghĩ đi làm kiếm tiền vì đời sống khó khăn quá. Nhưng tôi qua từng lớp dễ ẹc, điểm thi cuối cấp 2 qua cấp 3 dư đến mấy điểm - dư sức vào NTH nhưng tôi lại không đăng kí, để tùy tuyến. Điểm tốt nghiệp cũng cao hơn 30 dù chẳng được cộng 1 điểm nào. Hihi cả 10 mấy năm học tôi chẳng được năm nào là học sinh giỏi. Cấp 1 thì tôi hơi ẹ hồi năm lớp 3..
Việc kiếm thêm coi như ổn, bao nhiêu đó cũng dư rồi với sự ... của tôi.
Tôi đau đầu vì học trò năm nay của tôi. 1 bé 8 tuổi, đã học gần hết lớp 2 ở trường dân lập quốc tế Việt Úc nhưng bỏ hồ sơ vì không tiền đóng học, xin vô trường công học lại lớp 1. Vô lớp thằng bé chỉ phá và cãi. Cũng thông cảm bởi nó đã học qua và biết hết rồi nên không có hứng học. Nhưng nó cãi như cái máy, phá trong bất cứ lúc nào; nó làm tôi rất mệt mỏi và bị nhức đầu. Tôi nói gia đình mang giấy tờ học lớp 1 của cu cậu xem. Nó không có học bạ nhưng có giấy chứng nhận và bảng điểm học hết lớp 1 và nửa lớp 2. Hình như ở trường quốc tế đa số không có học bạ như trường nhà nước, bản điểm và bằng chứng nhận. Tôi nói gia đình lên liên hệ với hiệu trưởng trường xin vô lớp 2 học cho phù hợp với trình độ, đỡ mất 1 năm. Tôi cũng đã trình bày với hiệu trưởng. HT nói tự gia đình xin vô lớp 1 chứ mình đâu có biết, gia đình phải lên gặp để HT tìm cách giải quyết. Tôi cầu mong thằng bé được vô lớp 2, để nó không thấy chán phèo và siêng học.
Tôi đau đầu vì trò tôi năm nay nhiều em học tệ quá, trí chậm, gia đình lại chẳng để ý, đến gần 10 /36 em. Cũng may năm nay không có em nào chưa qua mẫu giáo, dù là trường công. Nhưng các em thua các em năm ngoái của tôi nhiều.
Tôi mời phụ huynh từng em lên gặp để trao đổi, vì mới học có 1 tháng, gia đình bỏ công ra kèm sát sao các em thì chẳng mấy chốc các em cũng theo bằng bạn. Nhưng gia đình nào cũng nói bận đi làm trăm sự nhờ cô. Chỉ được 2 gia đình nghĩ đến con và chăm con học.
Tôi nói thẳng: con cái ở nhà với cha mẹ là chính, cha mẹ kèm con cái mau tiến bộ hơn. Ở trường cô giáo kèm nhưng về nhà chẳng ai kèm thì hôm sau vẫn như không, con cái thiệt thì cha mẹ ráng chịu, gánh lấy.
Chẳng lẽ tôi nói mấy người sinh con ra song 100 sự nhờ thiên hạ để mình lo kiếm tiền huh ??? Thật là vô trách nhiệm quá chừng đi.
Mười mấy năm gặp hoài cảnh phụ huynh buông con thấy lớp 1 dễ chẳng buồn quan tâm, lo làm ăn bán cái cho nhà trường, đến khi con học không theo kịp chương trình lớp mới lúc đó mới sốt vó lên thì ... con đi học với tâm trạng sợ hãi vì phải chạy theo bạn, không theo kịp những gì gv yêu cầu. Bởi lớp 1 dễ thật đó nhưng nếu buông, đứa trẻ cũng sẽ lên lớp được nhưng kiến thức Tiếng Việt, âm - vần - tiếng hổng tùm lum, đọc không thông thì làm sao mà viết thạo được. Còn Toán thì cứ đưa ngón tay cả ngón chân ra đếm để làm cộng / trừ thì làm sao mà theo kịp bạn ở lớp mới. Toán có lời văn cứ chờ xem kết cục bạn hay gv đáp cộng hay trừ rồi mới làm bài thì ... thua chắc. Học giống như đối phó dù mới lớp đầu tiên trong đời.
Tôi cố hết sức mình với tâm: trò cũng như con cháu của mình. Nhưng gia đình buông thì tôi cũng đành ... thương cho trò.
Bạn bè: Thúy than buồn và khổ vì thuê 1 căn phòng nhỏ xíu không có toilet giá 300, mỗi lần tắm rửa phải về nhà ba mẹ tắm vệ sinh.
Chẳng biết nói sao, Thúy chọn như thế mà, định cư ở Mỹ cùng ba mẹ với tuổi đời đã qua 39 không nghề nghiệp, tiếng tăm 1 chữ không. Giá mà Thúy chấp nhận với ... thì giờ gia đình thật yên ổn và cũng định cư ở 1 nước không phải VN mà là Anh quốc. Không chịu ở VN cũng ok đi, dù H và C rất thương T, bạn học. C đã lấy vợ sau vài năm T từ chối, còn H giờ cũng đã có người yêu. Có lẽ cái chữ Duyên nó chưa tới với T nên... T phải ráng cực vài năm, rồi sẽ quen và vui.
Tôi không thích cái tính khách sáo của bạn. Chơi với nhau trên 20 năm ấy thế mà vẫn cứ mãi khách sáo, dưng thấy xa lạ chi đâu. Cứ như tôi với N và H, mày tao suốt đến thành tật và chia sẻ khi vui cũng như lúc buồn phiền.
Còn N thì cứ hỏi H bán được nhà của nó chưa. Hihi tôi cứ đốc H cứ từ từ, được giá hẵng bán. Nhà cửa đất đai trong thời buổi này khó khăn. Mà có ai trả được đến cái giá N muốn đâu nè.
À, hôm nay ngày 911 của nước Mỹ. Thêm kinh cầu cho các linh hồn trong vụ bị tấn công đó. Xin Thiên Chúa tha xóa mọi lỗi lầm và sớm đưa các linh hồn về Thiên Quốc.
Amen.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét