Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

T/nguyện: Cồn Én - Ang Giang


Ngày 25 tháng giêng năm 2011

Đầu giờ chiều ngày 22 tháng Chạp lên xe ra bến xe Hùng Cường ở Q.5.
Xe đi niềm Tây thường xe nhỏ khoảng 25 chỗ và thật là lạ mà những tuyến xe khác không hề gặp, đó là: Hành lý mang theo như 1 thùng hàng (thuốc bổ) bị lấy tiền ba-ga hết 20 ngàn đồng. 2 hành khách chỉ mang theo 1 thùng thuốc mà cũng phải trả tiền cước vận chuyển.
Đúng 2 giờ chiều xe khởi hành, ghế ngồi ngay sau lưng tài xế, sau khi nghỉ độ gần 30 phút giải lao vệ sinh ăn chiều đúng 6 giờ đến cây xăng Thanh Bình thuộc tỉnh Đồng Tháp, xuống xe chờ Cha cho người ra đón. Chuyến đi hết 4 tiếng. Đứng chờ người ra đón, nhìn lên trời một đàn cò trắng đang bay về tổ, nhìn thật thanh bình.
Tôi cự S :" Nơi này thuộc Đồng Tháp mà Dì nói An Giang"
hìhì S cười :"Tại em thấy 2 bé được học bổng viết là An Giang nên em cứ nhớ An Giang"
Nhưng, bé cái nhầm là tôi. Sau khi có 2 em đi honđa ra đón, xe chạy chừng 5 phút xuống tới bến đò ngang để sang xứ cồn. Đò ngang cũng rất hay, đi đò (phà nhỏ) chưa đầy 5 phút đã qua đến bờ bên kia, nhánh sông Tiền cắt ngang đất liền với cồn. Mỗi lượt qua đò cứ 1 xe máy thì 1.000 đồng, 1 người thì 500 đồng, con nít - học sinh đi học không tốn tiền đò.
Lên xe tiếp tục đi, lúc này tôi hỏi em trai chở :
- Vùng đất này thuộc tỉnh Đồng Tháp hả em?
Em nói:
- Vùng này thuộc Đồng Tháp nhưng qua khỏi cây cầu này (cái cây cầu xây cũng rất lạ: chiều dài ngắn nhưng cao và dốc, xe đạp không thể đạp lên nổi chỉ dắt bộ) là ranh giới giữa Đồng Tháp và An Giang. Cồn Én thuộc về An Giang.
Tôi lại hỏi vì sao lại có tên Cồn Én ?
- Ngày xưa lúc còn ít người, mỗi độ xuân về là chim én bay rợp trời ở đây nên người dân gọi là Cồn Én. Còn bây giờ chim én không còn bao.
Em lại nói tiếp:
- Cồn này còn có tên là cồn Ông Cha. Bởi cồn này được 1 ông Cha Tây phát hiện và mua rồi lập xứ đạo, dân qua sinh sống ông cho đất cất nhà. Còn tên chính của cồn là cồn Tấn Long (theo tên nhà nước)

Đất cồn thật êm ả, nhà nào cũng đầy cây xung quanh, nhà bên này nhìn qua nhà bên kia được cắt ngang bởi 1 con đường nhỏ và con rạch, muốn từ đường vô nhà phải qua cầu. Nơi này đầy những cây cầu khỉ. Kiểu nhà chung của những gia đình nghèo nhìn cũng rất lạ (với tôi): 3 mặt là vách tôn hoặc lá, còn mặt chính chỉ là những song bằng tre or gỗ tròn nhỏ, cửa cũng chỉ là thế. Bên ngoài được giăng 1 sợi dây kẽm bắt ngang từ bên trái sang phải, máng trên dây là tấm màn kéo. Khi cần che kín mặt tiền nhà thì người chủ chỉ việc kéo tấm màn vải đó. Tất cả kiểu nhà sàn vùng lũ.
Nghe nói những năm bị lũ ( khoảng 10 năm trước tôi nhớ học trò cứ nói về sông Cửu Long nước lũ dâng cao) nước ngập lênh láng, xuồng - ghe đi trên đường cồn. Thấy hầu như nhà nào cũng có 1 cái ghe úp để bên hông nhà hoặc dưới gần nhà.

Nghề kiếm sống của người dân Cồn Én là làm ruộng và cày cấy làm thuê. Người dân ở đây còn có nghề dệt chiếu do Cha đạo đời trước dạy và tạo công ăn việc làm cho người dân (cha đóng khung cửu, mua nguyên liệu về và dạy nghề cho người dân. Sản phẩm làm ra Cha đưa về thị thành tìm cách bán lấy tiền cho người dân) nhưng sau khi Cha qua đời, không còn ai đứng ra lo phần tiêu thụ sản phẩm cũng như cung cấp vật liệu... thế là người dân bỏ dần bỏ dần nghề này. Hiện tại nơi này chỉ còn duy 1 gian đình ở đối diện nhà thờ còn theo nghề dệt chiếu này. Nhưng ngặt cái là 2 vợ chồng anh chị này cũng đang bàn tính qua Tết bỏ nghề. Hỏi thăm:
- Lý do: vốn quá nặng (gần 6 triệu đồng 1 bó cói chiếu) riêng phần sợi chính giữ là do anh chị tự se lấy chứ không đi mua. Nhưng thu vốn không được, nay bán được 1 cặp chiếu, cứ rải rác... tiền thu được cứ bị ăn dần đi, rồi cụt vốn. Mỗi lần lo vốn là 2 vợ chồng sốt vó lên. Anh chồng bình thường đi làm hồ, phần ngồi dệt chiếu thì mướn 1 thợ cùng làm với vợ (cần 2 người mới dệt nhanh; người vợ sỏ sợ cói chiếu vào khung dệt, người chồng kéo khung và khóa đầu sợi dệt) công thợ rẻ hơn và anh đi làm hồ có thêm tiền.
Xứ cồn Én này là nơi toàn xoài nhưng chẳng thấy xoài. Người dân nói: Năm nay mất mùa. Đi bộ giáp vòng đất cồn (nói giáp vòng cho ... xoang, chắc chừng hơn 2/3 là cùng. hì hì) và nhờ sự quen biết của người xứ này (người dẫn ) mới xin họ để lại cho được hơn chục ký xoài cát Hòa Lộc và 10 trái xoài tượng làm quà.
Tôi vốn dĩ không hảo xoài, có hay không cũng không là vấn đề. Cái tôi muốn mua về là trái Thốt nốt và lá nước mát. Dự định mua chục kí thốt nốt đã tách vỏ và bao to lá nước mát, nhưng rất tiếc nơi này cách khá xa nơi có những thứ tôi muốn. Có dịp xuống nơi này, nếu mua được chẳng ngại mang vác về cho gia đình dùng.

Nhìn những ông già bà lão tay chân run run đến nhận quà, ngồi chờ đợi cũng cả tiếng so với giờ mời mà không một tiếng than (chờ vì số người đến rải rác, muốn đợi cho khá đông mới phát cho nhanh), miệng món mén cười cảm ơn cùng lời chúc sức khỏe, phải đưa 1 tay đỡ cho từng cụ bước xuống bậc thềm khi nhận bao lì xì và lọ thuốc bổ và ra về ... có cụ bước tới chỗ tôi nhận lì xì và thuốc, vui quá bỏ bịch quà lại đó (bỏ quên) chỉ cầm 2 thứ nhẹ tênh ấy đi...
Nhìn hình có cụ bê bịch quà ra tới sân, mệt quá ngồi bệt xuống thềm xi măng thở; những cụ vui tính đứng làm duyên cho S chộp kiểu hình...
Sau khi phát hết 5/6 số quà, lên đường đi thăm 2 em mồ côi được học bổng trong mấy năm qua của bên S, nhân tiện có dịp ghé thăm các em, cũng đồng thời thăm những cô bác nghèo bệnh nặng không thể đến nhận quà... Nhìn những mái nhà sàn vách tranh mái tôn, nhà có cửa, nhà chẳng có cửa nẻo gì, quây bên ngoài là cái màn kéo bao trùm căn nhà khi ngủ nghỉ (ví giống như cái lồng chim được chủ phủ vải xung quanh,,,,) thấy cuộc sống của người dân thật đơn sơ.
Chẳng bù ở SG hở ra cái chỉ trong tích tắc bị đạo chích dớt mất cái này cái kia.
Thấy có 1 xòng bài, nói chính xác hơn là người ta đang chơi lô tô, rất xôm tụ. Thấy có 1 đoạn nhiều nhà nuôi gà đá, có nhà nuôi đến 5, 7 con, con nào cũng thật chiến. Thấy có một nhà nhiều tay xách cái giỏ lác đến... biết ngay nơi này chỗ đá gà độ.

Nơi vùng quê hiền hòa này cũng không ít cảnh éo le chẳng khác gì thị thành, cha mẹ lên thành phố kiếm sống như làm công nhân, thợ hồ, phụ bưng bê quán phở, v.v.vv., rồi quen người khác, rồi quyết dứt áo đi theo tiếng gọi .. trái tim. Đến thăm nhà bé Thảo, cô bé học sinh lớp 10 được học bổng mấy năm qua, mồ côi cả cha lẫn mẹ ở với bà ngoại. Bé Thảo có 2 đứa em họ, một đứa mới mồ côi cha (cha đã lên "bàn thờ"), còn 1 đứa cũng chuẩn bị mồ côi cha (cha dứt áo ra đi theo người khác), bà nói : "Chắc là cái số của tui phải nuôi cháu mồ côi."
....

Chẳng thấy không khí Tết ở vùng quê này.

Hình ảnh về vùng này ở trong máy của S.T, máy tôi hết pin - không có nhớ sạc pin nên không đem theo.

Một chuyến đi bình an khỏe....



Không có nhận xét nào: