Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Vài phút suy ngẫm cuối tuần


Chủ nhật 27 tháng 6



Chuyện nhà Phật kể: Có một tu sĩ theo thầy học đạo đã lâu năm. Thấy anh đã tiến bộ nhiều, Thầy cho anh sống tự lập. Anh dựng một túp lều đơn sơ giữa cánh đồng. Ngày ngày ngoài thời gian khất thực, anh chuyên tâm đọc kinh cầu nguyện. Anh chỉ có độc một manh áo. Cứ chiều tối, anh giặt áo, phơi khô, để sáng hôm sau có áo mặc. Cạnh lều anh ở, có con chuột đêm đêm bò ra cắn chiếc áo anh phơi. Buổi sáng, anh phải đi tìm kim chỉ vá áo. Buổi tối, chuột lại bò ra cắn. Sau nhiều lần vá, anh sợ manh áo sẽ nát, nên quyết định nuôi một con mèo. Con mèo ăn khoẻ nên thức ăn xin được không đủ. Anh phải cấy lúa để có thêm thức ăn nuôi mèo. Vì cấy lúa, anh phải nuôi bò để cày ruộng. Bận rộn với việc đồng áng, anh không còn giờ đọc kinh cầu nguyện. Một thiếu nữ trong làng tình nguyện giúp, anh vui vẻ nhận lời. Vì có thêm người, nên anh phải lo làm nhà cửa cho khang trang. Chẳng bao lâu anh trở thành chủ gia đình có vợ, có con, có nhà cao cửa rộng, có ruộng đất, có đàn bò. Ít lâu sau, Thầy anh trở lại, nhìn nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, Thầy ngạc nhiên hỏi anh: “Tất cả những thứ này, tại sao thế?” Anh trả lời: “Tất cả chỉ vì con muốn giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”.

Câu chuyện trên cho thấy con người muốn vươn lên thật khó. Có nhiều thứ vướng mắc ngăn cản bước chân. Vướng mắc kéo theo ràng buộc. Những vướng mắc ràng buộc đan nhau thành một tấm lưới khổng lồ vây bọc con người. Muốn tự do bay lên, phải có can đảm phá tung những mắt lưới trói buộc.


Truyện : Ta đã ném vào chỗ đó.
Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử, rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc qúi như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống sông và nói : “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.



XÁC THỊT - THẦN KHÍ

Trong một cuốn sách nói về tu thiền tại Nhật, có thuật lại câu truyện như sau:

“Một sư phụ dạy thiền có rất nhiều đồ đệ. Một lần kia, trong một cuộc tụ tập để an cư nhập định, một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên cho sư phụ với lời yêu cầu trục xuất tên tội phạm. Nhưng vị sư phụ lờ đi, làm như không có gì xảy ra. Mấy hôm sau, người đệ tử kia lại bị bắt tại trận đang khi giở trò chôm chỉa đồ vật của người khác. Vụ việc lại được trình lên, nhưng dường như sư phụ cũng chẳng bận tâm. Điều nầy làm cho các đệ tử nổi nóng. Họ họp nhau lại, cùng soạn ra một tờ kiến nghị, trình bày hành động xấu của tên ăn cắp, và tuyên bố rằng nếu sư phụ không xử tội hắn thì bọn họ sẽ bỏ theo thầy khác hết.

Đọc qua tờ kiến nghị, vị sư phụ cho gọi tất cả mọi người đến và nói:

“Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Các anh có thể đi học với bất cứ vị thầy nào các anh muốn. Còn người anh em đáng thương này, anh ta u mê lầm lạc và thiếu can đảm tránh xa điều xấu. Nếu tôi không dạy thì ai sẽ là người dạy anh ta đây? Nếu tôi từ chối thì ai sẽ là người đón nhận anh ấy? Thế cho nên, tôi sẽ giữ người anh em này lại cho dù tất cá các anh có bỏ đi hết.”

Một dòng nước mắt tuôn xuống trên khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng tham muốn của cải người ta tự dưng biết mất khỏi anh.

Nhờ cảm được tấm lòng xót thương mà dòng nước mắt thống hối đã tuôn trào. Thế ra tiến trình hoán đổi con người không nhất thiết là cứ phải kết án, khước từ, hay trục xuất. Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn nhất chính là sức mạnh của tình thương. Chỉ có tình thương, với lòng quảng đại bao dung, cùng sự cảm thông nhân ái mới làm tái sinh và phục hồi những nét đẹp cao quí của tâm hồn con người.


Không có nhận xét nào: